Khi doanh nghiệp hoạt động ở địa điểm không đăng ký

Khi doanh nghiệp hoạt động ở địa điểm không đăng ký

Doanh nghiệp hoạt động ở đâu, được ghi rõ trong giấy phép kinh doanh. Địa điểm hoạt động của doanh nghiệp có thể là nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính, hoặc văn phòng đại điện, hay chi nhánh…Tuy nhiên hiện nay có nhiều doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, điều này gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Kế toán thuế Centax xin chia sẻ vấn đề này qua bài viết Khi doanh nghiệp hoạt động ở địa điểm không đăng ký

1. Phạt tiền khi doanh nghiệp hoạt động ở địa điểm không đăng ký

Điểm a Khoản 1 Điều 35 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định các mức phạt như sau:

“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: “kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh”.

Điểm d Khoản 2 Điều 32 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên công ty theo quy định;

b) Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định;

c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;

d) Không lưu giữ các tài liệu và con dấu tại trụ sở chính theo quy định của pháp luật.”

Theo những quy định trên, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 5 tr đến 10tr nếu hoạt động ở địa điểm không ghi trong giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, con dấu và tài liệu được lưu giữ ở nơi không ghi trong giấy phép kinh doanh cũng bị phạt từ 10tr tới 15 tr đồng.

2. Không được khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ những chi phí liên quan tới địa điểm kinh doanh không đăng ký kinh doanh

Khoản 15 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

“Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này)”;

Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:

“1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”

Theo quy định trên, những chi phí liên quan tới văn phòng, nơi làm việc không đăng ký trong giấy phép kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT , không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

Những chi phí đó bao gồm:

Chi phí thuê nhà, văn phòng

Chi phí sửa chữa nhà, văn phòng

Chi phí tiền điện nước,

Chi phí khác liên quan tới văn phòng

3. Bị đóng mã số thuế khi cơ quan thuế kiểm tra không hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại Điều 77, 78 Luật quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014), khoản 2 Điều 30 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, cơ quan thuế có thẩm quyền kiểm tra trụ sở của doanh nghiệp. Nếu trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tờ khai, chậm nộp thuế, Cơ quan thế sẽ nhắc nhở đôn đốc và gửi thông báo tới trụ sở chính. Nếu không có phản hồi từ phía tổ chức, cá nhân nộp thuế thì cơ quan Thuế liên hệ với chính quyền địa phương để kiểm tra sự tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế. Nếu doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh tại trụ sở đăng ký kinh doanh và không xác định được địa điểm hoạt động, thì cơ quan Thuế phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xác nhận về tình trạng không tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế. Cơ quan Thuế thông báo công khai tình trạng không tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế và đóng mã số thuế của doanh nghiệp

4. Không được đặt in hoá đơn, nếu không hoạt động tại địa điểm đăng ký

Theo quy trình đặt in hóa đơn, doanh nghiệp phải nộp mẫu số 3.14 về việc đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trong 5 ngày, cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ xuống trụ sở doanh nghiệp để kiểm tra. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị đầy đủ biển công ty, hồ sơ pháp lý của công ty, văn bản xác nhận quyền sử dụng hợp pháp địa chỉ trụ sở cũng như bàn ghế, sổ sách và các vật dụng khác liên quan chứng minh công ty có hoạt động. Nếu doanh nghiệp không có hoạt động thực tế tại địa điểm đăng ký thì không được chấp thuận được in hoá đơn

Ngoài ra, doanh nghiệp còn nằm trong nhóm có rủi ro về thuế cao, thì tuỳ theo tính chất, mức độ cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra và quy trình kiểm tra, thanh tra về thuế.

Trả lời